VNTOUR

Du lịch Mùa Hè- Chơi khỏe re

Hoang sơ đồi cát Nam Cương (Ninh Thuận)


Đồi cát Nam Cương là một điểm du lịch hoang sơ của tỉnh Ninh Thuận.

Đến đây, bên cạnh những xóm làng của đồng bào dân tộc Chăm, du khách sẽ được thưởng lãm những dải lụa cát mịn màng, những đàn cừu thơ thẩn bên suối hay những khóm hoa xương rồng đua sắc nở làm nên vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn.

Đồi cát Nam Cương rộng 700 ha nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 8km về phía đông nam thuộc ấp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước.



Không nổi bật như đồi cát Mũi Né, Nam Cương ẩn mình sau những con đường quanh co xuyên qua xóm làng, lúc lên dốc, lúc lại xuống đồi. Tuy lòng vòng là thế, nhưng du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sắc vàng, đỏ hoang dại của cây xương rồng đâm chồi nảy lộc mạnh mẽ dọc lối vào nơi đất cát khô cằn này.

Một trong những điều lý thú của đồi cát Nam Cương là sự thay đổi diện mạo từng giờ, từng ngày. Gió khá mạnh. Đi trên đồi, du khách sẽ có cảm giác chơi vơi như bị cuốn theo từng cơn gió.



Cát ở Nam Cương cũng thường xuyên thay hình đổi dạng bởi sự tác động của gió, mưa. Vậy nên bước chân của bạn, của các cô gái Chăm lún sâu trên cát cũng bị xóa sạch dấu vết chỉ sau vài giờ. Chỉ cần một đợt gió “hát”, táp mạnh vào miền cát vàng thì những đường cong nơi triền cát lại uyển chuyển tạo nên vẻ quyến rũ và lạ lùng khác trước, trông xa như những đợt sóng nhấp nhô dập dềnh trên đại dương.

Thời khắc đẹp nhất để chiêm ngưỡng đồi cát là khi bình minh lên, những con nắng màu lam đầu tiên lan dần trên trảng cát vàng khiến hiện rõ những tầng lớp được “phân giải màu” sáng, tối rồi dần dần ửng sang sắc cam nhạt. Có trảng thì thẳng tăm tắp, trảng khác lại vút cao ngợp tầm mắt, lại có trảng sóng sánh đường cong điệu đà. Nếu tưởng tượng hơn nữa, bạn có thể hình dung ra nhiều hình thù đặc biệt trong tạo hình của cát - một đặc sản của nắng và gió Nam Cương.



Men theo những triền cát, nếu để ý kỹ ta sẽ thấy có rất nhiều lỗ đất nho nhỏ. Cái lỗ đất ấy là mái nhà sinh sống của một loài bò sát, có họ hàng với loại khủng long tiền sử nhiều triệu năm về trước: con dông. Nếu đã từng cùng người địa phương săn bắt dông trên những đồi cát, hẳn là du khách sẽ không bao giờ quên được. Đồ nghề săn bắt cũng rất đơn giản: mỗi người được trang bị một nạng thun (giàn ná) bắn bằng đạn cu-li (bi), đem theo một hai cây thuổng (mai, len) đào đất, vài khúc dây dù để cột dông.



Với trang bị như vậy, cả đoàn len lỏi qua những bụi xương rồng, bồn bồn biển và những lùm cây trên những động cát để tìm dông. Những con dông có hình dạng giống như tắc kè bông, da trơn láng với chấm vàng xanh mập mạp. Chúng lẩn vào cát rất nhanh. Người săn chuyên nghiệp có thể phát hiện ra dấu chân của chúng trên cát hoặc khu vực chúng kiếm ăn. Dông chạy rất nhanh từ bụi cây này qua bụi cây khác khi bị động, các “ná thủ” phải bắn nhanh và chính xác mới hạ được chúng. Những chàng trai vùng đồi cát ở đây bắn ná rất giỏi, ít khi sẩy con mồi.



Đôi khi dông luồn sâu xuống những hang cát. Người ta dùng thuổng đào và chận ngách bắt, có khi bắt được vài ba cặp dông ở chung một hang. Thời mấy chục năm về trước, con dông được xem là loài bò sát hoang, rất ít người bắt nó về làm thịt để ăn. Vậy nhưng những năm gần đây, dông đã trở thành một đặc sản nổi tiếng đến nỗi nhiều trang trại nuôi dông xuất hiện.

Dông tại Ninh Thuận được coi như một đặc sản và là một vị thuốc bổ, có thể chế biến thành nhiều món như gỏi, nướng mọi, nướng xả ớt, hấp, cháo dông… Thịt dông trắng, săn và ngọt. Còn trứng dông thì được liệt kê vào hàng sơn hào hải vị, luôn được giới sành ăn săn lùng do vị béo nhưng không ngậy, khiến người ăn không biết ngán. Thịt dông ngon nhất là vào mùa mưa, vì lúc này các loại rau củ đều sinh trưởng tạo nguồn thức ăn khá dồi dào cho dông.



Một đặc trưng khác của đồi cát Nam Cương là hình ảnh những cô gái Chăm đi lại uyển chuyển in bóng trên cát. Họ có nước da màu mận, duyên dáng trong trang phục truyền thống: váy dài chấm gót, vấn khăn trùm đầu nhưng không che mạng, đầu đội nước, chân bước mềm mại, tô điểm những sắc màu cho triền cát vàng rộng lớn.

Bên cạnh đó, khi đứng trên những trảng cát cao nhất ở đây, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng từ xa vẻ đẹp của Chà Bang - dãy núi huyền thoại của người Chăm, đứng sừng sững, hùng vĩ, trông xa như hình lưỡi búa khổng lồ. Nếu đến tham quan vào tháng 4 - 6, bạn sẽ may mắn được tham dự lễ hội Pô Nai ở dãy núi này với nhiều tiết mục ca múa nhạc dân gian Chăm đặc sắc, thể hiện ước muốn mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp nơi đây.



Ngoài ra, nếu đã đến đồi cát Nam Cương ở Ninh Thuận, du khách cũng đừng quên ghé thăm thôn Nhị Hà với phong cảnh đậm chất du mục thanh bình. Nơi đây, người ta nuôi cừu thành từng đàn, số lượng từ trăm đến nghìn con. Trong bóng chiều bảng lảng, hình ảnh những chú mục đồng chăn cừu trên đồng xanh thật đẹp bình yên và giản dị. Nhiều bạn trẻ đến đây để thực hiện cho mình những bộ ảnh cưới sống động giữa bầy cừu trắng nhởn nhơ.

Đến đồi cát Nam Cương, dạo chơi trên những bãi cát vàng gợn sóng buổi sáng sớm hay chiều tà, nhìn xa xa thấp thoáng bóng hàng dương xanh thắm, du khách có thể gặp những cô gái Chăm duyên dáng, có nước da màu mật, duyên dáng trong trang phục truyền thống, váy dài chấm gót, vấn khăn trùm đầu nhưng không che mạng, đầu đội nước, chân bước mềm mại để lại những dấu trên cát như một bức họa nghệ thuật.

Du lịch, GO!

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Cung Đường Di Sản